Chất béo là một loại chất dinh dưỡng rất quen thuộc trong đời sống, đóng nhiều vai trò quan trọng đối với sức khỏe, vì vậy đối với mỗi bữa ăn dặm, mẹ cần cung cấp đủ cho bé lượng chất béo phù hợp.
NGUỒN GỐC CỦA CHẤT BÉO?
Chất béo trong đời sống của chúng ta ngày nay có thể xuất phát từ rất nhiều nguồn gốc khác nhau, tùy thuộc vào nguồn cung cấp là gì thì sẽ cho những loại chất béo tương tự. Những nguồn cung cấp chất béo chủ yếu có thể kể đến như:
- Chất béo có nguồn gốc động vật: Tập trung nhiều ở phủ tạng động vật và lớp mỡ dưới da của động vật. Loại chất béo có nguồn gốc từ động vật chứa nhiều acid béo bão hòa, thường không có lợi cho sức khỏe tim mạch.
- Chất béo có nguồn gốc thực vật: Là loại chất béo được chiết xuất từ các loại thực vật, chủ yếu chứa các axit béo không bão hòa (chứa 1 liên kết đôi hoặc nhiều hơn) nên thường được dùng nhiều hơn vì tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên một số loại dầu thực vật cũng chứa nhiều chất béo bão hòa như mỡ động vật chẳng hạn như dầu cọ, dầu dừa,...
- Chất béo tổng hợp: Đây là loại chất béo được tổng hợp nhờ các hoạt động của con người. Loại chất béo này hay gặp trong các hoạt động sản xuất đại trà hoặc khi muốn làm tăng vị ngon, độ đẹp mắt của thức ăn. Thường không tốt cho sức khỏe.
VÌ SAO CẦN BỔ SUNG CHẤT BÉO CHO TRẺ?
Chất béo đóng vai trò quan trọng trong khẩu phần ăn hàng ngày của người lớn và trẻ nhỏ. Ngoài việc cung cấp năng lượng, nó còn giúp hòa tan nhiều loại vitamin tan trong dầu như A, D, E và các khoáng chất Canxi, Sắt, Kẽm…, hình thành tế bào mô và giúp cơ thể điều hòa được các hoạt động.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chất béo còn đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển thể chất và não bộ của trẻ nhỏ. Khi bé 1 tuổi thì não bộ của bé mới phát triển bằng 75% não người lớn. Vì vậy mà trong giai đoạn này, bé cần 1 lượng chất béo đủ cho sự phát triển trí não.
Đặc biệt, các loại chất béo không bão hòa poly là Docosahexaenoic (Omega 3-DHA) và Arachidonic (Omega 6 - ARA) rất cần thiết cho bé, vì cơ thể của bé dưới 1 tuổi rất khó để tổng hợp. Thậm chí, nếu trẻ thiếu Omega-3 DHA thì não bộ có thể bị nhiều khiếm khuyết.
Hơn nữa, các chất béo không no dạng poly là Linoleic (Omega 6 – LA) và Alpha-linolenic (Omega 3 – ALA) là những loại chất béo chỉ có thể tìm thấy từ thực phẩm, cơ thể các bé không thể tự tổng hợp.
Theo Tháp dinh dưỡng được xây dựng bởi Viện Dinh Dưỡng quốc gia, mỗi bữa ăn của trẻ cần đủ 4 nhóm: đường bột (chủ yếu từ các loại ngũ cốc), chất béo, chất đạm và vitamin – khoáng chất. Trong đó, chất béo (bao gồm dầu thực vật và mỡ động vật) thuộc nhóm cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động và duy trì sự sống. Cũng theo Viện dinh dưỡng, chất béo là nguồn dự trữ năng lượng quan trọng, tham gia vào cấu trúc của tất cả các mô và màng tế bào, giúp hình thành mô mỡ có chức năng điều hòa thân nhiệt. Chất béo còn tham gia vào nhiều phản ứng sinh hóa trong cơ thể người và là thành phần để tạo ra testosterone, estrogen (hormone giới tính), axit mật, là màng lọc của các tế bào. Chất béo trong dầu ăn là trung gian chuyên chở các phần tử dinh dưỡng, đồng thời đóng vai trò là dung môi hòa tan các vitamin A, D, E, K… giúp ruột hấp thụ các vitamin này. Vì thế, chất béo đặc biệt cần thiết cho sự phát triển của trẻ trong mọi giai đoạn từ bào thai, ăn dặm cho tới 8 tuổi, trẻ càng nhỏ thì nhu cầu về chất béo càng cao.
BỔ SUNG CHẤT BÉO HỢP LÝ
Tuy chất béo rất quan trọng cho sự phát triển của trẻ, nhưng không được lạm dụng, không nên bữa nào, ngày nào cũng nêm dầu ăn vào thức ăn của bé. Mỗi loại chất béo đều có một công dụng nhất định, chình vậy mà mẹ cần lựa chọn các loại chất béo phù hợp với trẻ.
Trong quá trình chế biến thức ăn, hầu hết các chất béo không bão hòa rất dễ bị mất khi gặp nhiệt độ cao, nên mẹ hãy nêm dầu ăn vào bột ăn dặm của trẻ khi chuẩn bị hoặc đã nhấc khỏi bếp.
Khi mẹ chế biến các đồ chiên, rán với dầu ăn thì không cần nêm thêm dầu ăn vào các thức ăn khác trong bữa ăn đó nữa. Hoặc, khi bữa ăn đã có cá hồi/ thu/ chép/ lươn thì không cần thêm dầu vào nữa, cũng không nên cho bé ăn quá 2-3 ngày, các loại cá trên trong một tuần.
Ở phương pháp ăn dặm tự chỉ huy (BLW), mẹ thường hấp/luộc mềm các loại rau củ quả, cắt thành thanh dài để trẻ dễ cầm nắm. Do không thể rưới dầu lên các thanh rau củ (gây trơn trượt, trẻ khó cầm), mẹ thường trộn dầu dinh dưỡng vào chén canh của trẻ, hoặc trộn vào các loại đậu/hạt/ngũ cốc nghiền nhỏ (những loại trẻ chưa thể xử lý thô).
CÁC THỰC PHẨM BỔ SUNG CHẤT BÉO TỐT CHO TRẺ:
+ Cá – chất béo tuyệt vời cho bé
Cục quản lý thực phẩm và dược Hoa Kỳ khuyên rằng bà bầu và trẻ em cần tránh những loại cá có hàm lượng thủy ngân cao. Các loại cá có hàm lượng thủy ngân cao bao gồm cá kiếm, cá thu, hoặc cá mập.
Mẹ có thể lựa chọn thực đơn của bé các loại hải sản có hàm lượng thủy ngân thấp như tôm, cá hồi, cá ngừ, cá da trơn. Cá hồi và các ngừ tươi là các loại các giàu axit béo Omega 3. Ăn nhiều cá sẽ giúp bé có trái tim khỏe mạnh.
+ Trái bơ – chất béo từ thực vật
Bơ rất giàu chất béo không bão hòa đơn. Nó giúp cho bé phát triển lành mạnh và giảm cholesterol xấu. Mẹ có thể cho bé ăn dặm với quả bơ hoặc sáng tạo bất cứ món nào mình thích từ loại thực phẩm giàu dinh dưỡng này.
+ Thịt gà – nguồn chất béo không bão hòa giàu Omega 3
Giống như cá, thịt gà cũng là một nguồn chất béo không bão hòa giàu Omega 3. Mẹ có thể luộc thịt gà, xào hoặc kho cho bé ăn. Hầu hết các bé đều rất thích ăn thịt gà trộn với phô mai và rau.
+ Sữa bò nguyên chất – nguồn dinh dưỡng dồi dào cho bé
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng, trẻ mới biết đi nên uống nhiều sữa nguyên chất vì nó có nhiều chất dinh dưỡng bao gồm cả chất béo tốt cho cơ thể của bé.
+ Dầu ăn – cách cung cấp axit béo Omega 3 và 6 đơn giản
Sử dụng dầu ăn là một trong những cách đơn giản nhất để kết hợp các axit béo Omega 6 và Omega 3 trong chế độ ăn uống của bé. Các loại dầu như dầu hoa hướng dương, dầu oliu, dầu ngô, dầu rum và dầu mè cho bé đều là nguồn chất béo không bão hòa dồi dào.
Mẹ có thể làm xà lách trộn hoặc các loại thức ăn khác, trông ngon miệng cho bé sử dụng hàng ngày với dầu ăn. Hoặc mẹ cũng có thể nấu rau, củ, quả và thức ăn với một chút dầu để cung cấp đủ lượng chất béo cần thiết cho con.
Hy vọng rằng thông qua bài viết này Hanin có thể giúp các bậc phụ huynh có thêm kiến thức về việc ăn dặm của bé.