70% cơ thể người là nước, thế nhưng ở trẻ tỷ lệ này lại cao hơn, nhất là trong giai đoạn sơ sinh, tỷ lệ này lên đến gần 80%. Đó cũng là lý do vì sao trẻ hay kêu khát, bởi so với người lớn thì trẻ còn cần nước hơn nhiều. Đặc biệt mẹ cần bổ sung nước cho trẻ vì nó có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển cũng như sức khỏe của trẻ. Nước ngoài việc giúp cho trẻ bớt khát, giảm hiện tượng khô cổ họng còn đóng vai trò quan trọng trong việc phân giải các chất dinh dưỡng cũng như tham gia vào quá trình trao đổi chất của cơ thể. Nước còn có tác dụng hữu ích trong việc thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu trong cơ thể giúp trẻ phát triển khỏe mạnh và thông minh hơn.
NHU CẦU NƯỚC CỦA TRẺ THEO ĐỘ TUỔI
Tùy vào từng độ tuổi mà lượng nước cần bổ sung cho trẻ cũng khác nhau, dưới đây là một số thông tin lượng nước cần thiết cho trẻ theo từng độ tuổi:
- Trẻ từ 0 – 6 tháng tuổi: Chỉ cần bú sữa mẹ hoặc pha sữa bột theo đúng hướng dẫn, bởi vì trong đó đã bao gồm lượng dinh dưỡng và nước cần thiết cho bé.
Nhiều cha mẹ mỗi lần cho con ăn sữa xong lại cho trẻ em uống thêm rất nhiều nước khiến các bé đi tiểu nhiều và lượng natri đồng thời bị mất đi. Trong khi đó, mất nhiều natri sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của đại não. Điều này dẫn đến các triệu chứng ngộ độc nước giai đoạn đầu như: khó chịu, buồn ngủ, thân nhiệt hạ thấp, phù mặt… nặng hơn còn có thể dẫn đến chuột rút, co giật, ngất lịm.
- Trẻ từ 6 tháng – 1 tuổi: Nhu cầu của trẻ lúc này là khoảng 200 – 300ml/ngày, lúc này lượng nước trong sữa bé bú vẫn đủ, chỉ cần bổ sung thêm một chút nước là được. Tùy thuộc vào loại thức ăn của bé là thực thẩm tương đối khô thì có thể tăng thêm lượng nước bổ sung.
Ngoài ra sau mỗi lần ăn xong, mẹ nên cho bé uống thêm khoảng 2 thìa con nước lọc, mỗi lần nhiều nhất khoảng 15 – 30ml, thứ nhất là để làm sạch khoang miệng cho bé, thứ 2 là có thể tốt cho vị giác thời kỳ đầu.
- Trẻ trên 1 tuổi: Lượng nước uống tùy thuộc vào nhu cầu của bé, nhất là sau 1 tuổi bé có thể tự cầm cốc. Mẹ có thể tính lượng nước tùy thuộc vào cân nặng như sau:
Trẻ em từ 1 – 10kg nhu cầu nước là 100ml/kg
Trẻ em từ 11 – 20kg nhu cầu nước: 1000ml và cộng thêm 50ml cho mỗi 10kg cân nặng tăng lên
Ví dụ: 4.5kg cần khoảng 450ml nước, 9kg cần khoảng 900ml
Mẹ có thể rèn luyện cho bé thói quen uống nước và không nên đợi tới khi cảm thấy khát rồi mới uống vì như vậy là trẻ đã bị thiếu nước rồi.
NHỮNG DẤU HIỆU CHO THẤY RẰNG TRẺ ĐANG THIẾU NƯỚC
- Trẻ dưới 6 tháng tuổi: Trong khoảng 4 – 6 giờ đồng hồ mẹ không thấy bé đi tiểu chứng tỏ bé đang rơi vào tình trạng thiếu nước. Mẹ nên cho bé bú 2 – 3 tiếng/lần để bổ sung lượng nước cho cơ thể bé. Trường hợp con vẫn đi tiểu rất ít khi đã tăng số lần bú, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để biết lượng nước chính xác cần cho bé uống.
- Trẻ trên 6 tháng tuổi: Số lần đi tiểu của bé ít hơn 6 lần/ngày.
- Trẻ trên 2 tuổi: Không đi tiểu trong vòng 6 – 8 giờ, trẻ có dấu hiệu thiếu nước. Ngoài ra, nước tiểu sẽ có màu vàng đậm. (Ở trạng thái bình thường, nước tiểu của bé có màu trong, vàng nhạt). Bên cạnh đó, bé sẽ có một số biểu hiện như: Môi khô; Khi bé khóc không có nước mắt hoặc có rất ít; Bé hay khóc vì cảm giác đau cơ, phần thóp trên đầu bị lõm.
BỔ SUNG NƯỚC CHO TRẺ NHƯ THẾ NÀO LÀ ĐÚNG CÁCH?
Bổ sung lượng nước cho trẻ phù hợp với độ tuổi cũng như nhu cầu của cơ thể
Mỗi độ tuổi, mỗi giai đoạn đều có những chế độ cũng như nhu cầu dinh dưỡng khác nhau, và nước cũng không ngoại lệ, chính vì vậy mà bố mẹ hãy để ý đến độ tuổi cũng như nhu cầu của trẻ để bổ sung cho trẻ nước đúng cách, đúng lúc.
Đặc biệt đối với một số trường hợp, mẹ cần lưu ý để bổ sung nước cho bé đủ để đảm bảo sức khỏe cho con:
- Khi trẻ bị tiêu chảy: cơ thể trẻ sẽ bị mất đi một lượng lớn nước và các nguyên tố khoáng. Chính vì vậy bố mẹ hãy bổ sung nước cho trẻ bằng việc cho trẻ sử dụng nước đun sôi để nguội và cung cấp dung dịch oresol để bù lại lượng nước cũng như chống việc mất đi chất điện giải cho cơ thể.
- Vào mùa hè: bé vui chơi, vận động nhiều nên lượng mồ hôi mất đi nhiều, đồng nghĩa với lượng nước trong cơ thể bị hao hụt nhanh chóng. Lúc này, việc bổ sung nước cho bé là vô cùng cần thiết, vừa giúp điều hòa nhiệt độ cho cơ thể, đồng thời giúp cơ thể được bổ sung nước kịp thời để duy trì các hoạt động của trẻ. Ngoài ra bạn cũng nên để con ngồi chơi ở nơi thoáng mát để tránh mất nước quá nhiều.
- Khi trẻ bị sốt, ho: lượng nước trong cơ thể bị mất đi nhanh chóng nên cần bổ sung nước và cho con bú nhiều hơn. Đây cũng là cách giúp nhiệt độ cơ thể bé giảm đi đôi chút. Trẻ bị ho nhiều sẽ gây cảm giác khô rát họng thì nước cũng cần bổ sung nước ngay lập tức.
- Trước các bữa ăn, bố mẹ nên cho trẻ sử dụng một lượng nhỏ nước để tạo cảm giác ngon miệng cho các bé. Lưu ý với trẻ nhỏ chúng ta không nên ép trẻ uống quá nhiều nước trong ngày. Việc cho trẻ sử dụng nước quá nhiều có thể gây ảnh hưởng tới thận. Ngoài ra, bố mẹ cũng không nên cho trẻ uống nhiều nước sau các bữa ăn, việc này sẽ gây chướng bụng ở trẻ nhỏ.
Rèn luyện thói quen cẩn thận khi uống nước:
Đối với bất cứ công việc hay thói quen gì bố mẹ cũng cần rèn luyện cho trẻ thói quen cẩn thận và để tâm vào đó. Thói quen khi uống nước cũng vậy, bố mẹ cần tập trẻ uống nước đúng cách, uống từ từ, tránh để rơi vãi. Điều này vừa giúp trẻ tránh gặp phải tình trạng như ho, sặc nước cũng vừa rèn luyện thói quen tốt cho trẻ sau này.
Ngoài ra bố mẹ cũng nên dạy trẻ sau khi uống nước phải cất cốc đúng chỗ, hay là việc tự cầm cốc uống. Bố mẹ có thể chỉ cho bé vị trí để nước, nhắc nhở trẻ rằng nếu nước nóng thì không được động vào vì như vậy sẽ rất nguy hiểm đến trẻ. Bố mẹ cũng nên lưu ý cho trẻ sử dụng cốc làm bằng nhựa an toàn và để ở vị trí cẩn thận đối với trẻ.
Cho trẻ sử dụng nguồn nước sạch, đảm bảo vệ sinh:
Bất cứ thứ gì đưa vào trong cơ thể trẻ cũng cần được đảm bảo vệ sinh và an toàn. Bởi lúc này sức đề kháng của trẻ còn yếu, dễ nhiễm khuẩn và có thể gây nên các bệnh cho trẻ.
Mẹ cần cho trẻ uống nước đun sôi để nguội, đảm bảo vệ sinh, không để nước tiếp xúc trực tiếp với môi trường không khí quá lâu.
Hạn chế cho trẻ sử dụng các loại nước uống có ga, nước ngọt:
Nước có ga và các loại nước ngọt rất có hại cho sức khỏe của trẻ, bởi chúng không cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ. Chính vì vậy mà đối với trẻ dưới 6 tuổi. Mẹ không nên cho trẻ uống nước ngọt và cần lưu ý với bất cứ loại nước khác. Tránh để trẻ sử dụng các loại không rõ nguồn gốc.
Trên đây là một số thông tin mà Hanin muốn gửi tới các bạn về vai trò cũng như việc bổ sung nước cho trẻ với hy vọng có thể giúp các mẹ chăm sóc trẻ một cách tốt nhất.