Các dấu hiệu (thật và giả) của việc bé đã sẵn sàng cho việc ăn dặm:
Không phải dấu hiệu sẵn sàng
- Thức dậy vào ban đêm: rất nhiều cha mẹ bắt đầu cho ăn dặm sớm với hi vọng việc này sẽ giúp bé ngủ ngon cả đêm. Họ cho rằng bé tỉnh giấc vì đói. Nhưng bé hay tỉnh giấc vào ban đêm là do lịch sinh hoạt chưa phù hợp chứ không phải dấu hiệu bé cần ăn dặm. Cha mẹ nên điều chỉnh lại lịch sinh hoạt hàng ngày của bé phù hợp với độ tuổi tương ứng. Nếu bé thực sự đói, các bé dưới 6 tháng cần được bú mẹ nhiều hơn (hoặc uống nhiều sữa bột hơn ) chứ không phải thức ăn dặm.
- Chậm tăng cân: Đây là lý do phổ biến khiến cha mẹ được khuyên nên cho bé ăn dặm sớm, nhưng các nghiên cứu chỉ ra rằng chậm tăng cân thường diễn ra vào khoảng 4 tháng tuổi, đó là điều bình thường, đặc biệt đối với các bé ăn sữa mẹ. Đó không phải dấu hiệu bé cần ăn dặm.
- Bé chăm chú nhìn cha mẹ ăn hoặc với tay ra đòi đồ ăn: Từ khoảng 4 tháng, các bé rất hào hứng bởi các hoạt động hàng ngày của gia đình, như mặc quần áo, cạo râu, đánh răng – và ăn. Nhưng bé chưa hiểu ý nghĩa của các hoạt động này– chỉ là bé hiếu kỳ thôi.
- Bé tóp tép miệng: Đơn giản là bé bắt chước theo cha mẹ đang nói chuyện hoặc đang nhai thức ăn.
- Không ngủ ngay sau khi ăn sữa: Các bé khoảng 4 tháng cảnh giác và tỉnh táo hơn các bé nhỏ ; các bé đơn giản là không cần ngủ nhiều như trước nữa.
- Bé còi cọc hoặc bụ bẫm: Dưới 1 tuổi sữa vẫn là nguồn dinh dưỡng chính của bé, sữa mẹ hay sữa bột mới là thứ bé cần để tăng cân, không phải thức ăn dặm, thức ăn dặm không chứa nhiều dinh dưỡng như sữa. Những bé sinh ra đã to (hoặc cân rất nhanh) không cần đến thức ăn ngoài.. Hệ tiêu hoá và sức đề kháng của các bé không hề trưởng thành hơn bất kỳ em bé nào khác, do đó sức khoẻ của bé cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng nếu được cho ăn dặm sớm như các bé khác.
Dấu hiệu bé sẵn sàng cho việc ăn dặm
- Bé đã có thể ngồi vững không cần hoặc cần ít sự hỗ trợ và có thể giữ thẳng đầu khi ngồi, cổ điều khiển quay qua lại tốt.
- Bé với tay chộp lấy đồ vật và đưa vào mồm chính xác.
- Khi bé gặm đồ chơi, bạn thấy bé có vẻ như đang “nhai” chúng.
- Bé đã gần đủ (hoặc hơn) 6 tháng tuổi
Một điều rất quan trọng rằng mỗi em bé là một cá thể hoàn toàn khác biệt, do đó có những bé sẽ sẵn sàng sớm hơn những bé khác và ngược lại có những bé sẽ chậm hơn. Đừng sốt ruột nếu bé đã đủ 6 tháng mà chưa ngồi vững, bạn có thể dời lại ngày bé ăn dặm muộn hơn một chút. Hãy ghi nhớ dưới 1 tuổi sữa vẫn là nguồn dinh dưỡng chính, ăn dặm chỉ để bé tập làm quen với thức ăn thô, tập cách nhai nuốt, tập cách xử lý thức ăn mà thôi.
Hanin Baby - Đồng hành cùng mẹ và bé